“Pháp hội” kín tại khách sạn Vissai ở TP Ninh Bình – Ninh Bình năm 2015 có nên chuyển sang “công khai”?

*Nguồn: MrK Wordpress

Đây là bài viết của một học viên Pháp Luân Công tại Việt Nam,chính vì tâm huyết và lo lắng  cho những hoạt động của học viên Pháp Luân Công nên đã ủy thác MrK đăng bài viết này .
“Pháp hội” “kín” tại khách sạn Vissai ở TP Ninh Bình – Ninh Bình năm 2015 có nên chuyển sang “công khai”? Pháp Hội mà lén lút như thế này có Bất Kính không ? trong khi hàng nghìn người học, hàng ngày luyện công tại khắp các công viên trên cả nước…
Tôi thật sự sốc khi mới biết tin có 1 “Pháp hội” rất lớn, có quy mô toàn quốc đã được tổ chức BÍ MẬT tại Việt Nam vào cuối năm 2015. Một “Pháp hội” quy mô như vậy ,với hơn 500 người từ khắp nơi đến tham dự đã được tổ chức hơn nửa năm nay mà tôi cùng nhiều đồng tu không hề hay biết. Và ban tổ chức là ai mà có thể mời gọi một số lượng học viên lớn như vậy từ khắp các tỉnh thành trên cả nước? Họ có liên quan gì tới Ban Điều Phối VNShow thị phi vừa qua không? Tất nhiên, mặc dù tôi không biết sự kiện bí mật này, nhưng có thể nhiều người (học viên, không phải học viên) không tham dự “Pháp hội” đã biết về nó.
Thật khó tin là một Pháp hội chân chính của người học Pháp Luân Công nhưng lại được bí mật tổ chức, lén lút vụng trộm trong khi hàng nghìn người học, hàng ngày luyện công tại khắp các công viên trên cả nước… Vì sao đến nỗi như vậy? Càng đi sâu mới biết nhiều học viên Việt Nam đã phần nào lệch khỏi nhiệm vụ giảng rõ sự thật, khi họ coi chính quyền Việt Nam cũng không khác mấy chính quyền của Đảng Cộng sản Trung Quốc trong cuộc bức hại Pháp Luân Công. Đó là sự lệch lạc khổng lồ, dường như đã thuận theo ý đồ nham hiểm của đặc vụ 610 dành cho môi trường Việt Nam – lợi dụng tâm lý ghét “cộng sản”, tư tưởng phân biệt đối xử dành cho cộng sản của nhiều người cùng cách hành xử ít nhiều không đúng đắn của lực lượng an ninh Việt Nam, qua đó tạo thế đối nghịch giữa chính quyền Việt Nam và học viên Pháp Luân Công tại đây – một chiêu trò vẫn đang phát huy tác dụng tại môi trường tu luyện Pháp Luân Công ở Việt Nam…
Quay trở lại “Pháp hội” Việt Nam 2015, Ban tổ chức “Pháp hội” quy định rằng người tham dự phải chú ý tu khẩu, tuyệt đối bí mật, chỉ những người tham gia được biết, không kể lại với học viên không tham gia, không cho gia đình, người thân hay bất cứ ai được biết có sự tồn tại của “Pháp hội” này. Tuy nhiên, ngày hôm đó Nam, người đã tham dự “Pháp hội”, đã chia sẻ với tôi toàn bộ quá trình tham dự. Yêu cầu về tu khẩu và bảo mật đã khiến Nam gặp rắc rối với gia đình mình. Sau lần tham dự “Pháp hội”, người thân đã không còn lý giải nổi anh, họ cảm thấy lo lắng và e ngại khi anh tham gia các công việc liên quan tới Pháp Luân Công, dù trước đó họ thấy anh có những thay đổi tích cực khi học Pháp. Tiến thoái lưỡng nan, nói thì ‘sợ’ khẩu nghiệp mà không nói thì thấy cũng không ổn, Nam đành chia sẻ với hy vọng tôi và mọi người có thể giúp anh giải khai khúc mắc. Có lẽ những rắc rối đến với Nam chỉ là 1 phần nhỏ của vấn đề lớn hơn rất nhiều. Quả thật, có thể nhìn thấy những vấn đề rất lớn tồn tại trong môi trường tu luyện Pháp Luân Công tại Việt Nam qua lần tổ chức “Pháp hội” này.
Trước hết, hãy xem tóm tắt quá trình tham dự “Pháp hội” của Nam:
1/ Trước khi tham dự “Pháp hội”:
Vào khoảng trung tuần tháng 7/2015, Nam được 1 người gọi là liên lạc viên tại địa phương báo tin rằng anh nằm trong danh sách đi tham dự “Pháp hội” 2015 sắp tới, dự kiến vào tháng 8. Liên lạc viên yêu cầu Nam không được cho ai biết tin này, tu khẩu, bảo mật thông tin, chuẩn bị tinh thần và 1 ít tiền cho chí phí chuyến đi. Cùng với đó, đều đặn Phát chính niệm hàng ngày để chuyến tham gia “Pháp hội” diễn ra tốt đẹp.
Nếu nhớ không lầm, tiêu chuẩn tham dự “Pháp hội” là có thời gian tu luyện 2 năm trở nên, tu luyện nghiêm túc, tinh tấn, có quá trình làm các hạng mục giảng chân tướng ở địa phương, được đánh giá tốt, nhiệt tình trong công tác liên quan tới Đại Pháp…
Lúc đó, Nam rất mừng rỡ và phấn khích. Sau bao năm học Pháp luyện công, anh sắp có cơ hội lần đầu tiên tham dự 1 kỳ “Pháp hội” có quy mô toàn quốc. Là nơi giao lưu gặp gỡ các học viên trên cả nước, thêm nữa là nghe nói rằng các học viên tham gia là những người học lâu năm (?) và có nhiều kinh nghiệm quý báu khi làm các hạng mục nói rõ sự thật. Đây chắc hẳn là cơ hội đề cao tuyệt vời trong tu luyện. Anh tuyệt đối nghe lời liên lạc viên, không hé môi nửa lời về kế hoạch tham dự sắp tới.
2/ Lộ trình đến “Pháp hội” 8/2015
Từng ngày trôi qua cho đến khi có thông báo chính thức về kỳ “Pháp hội” được gửi tới các học viên qua Unseen.is.
Yêu cầu bảo mật:
– Học viên tham gia để điện thoại ở nhà (đối với iphone và các loại điện thoại không thể tháo pin). Hoặc dùng 1 điện thoại hoàn toàn mới. Tuy nhiên, dù thế nào cũng phải đưa điện thoại cho trưởng đoàn giữ trong thời gian tham dự “Pháp hội”.
– Không cho ai biết mình tham dự “Pháp hội” kể cả người thân trong gia đình, nên chọn 1 lý do phù hợp cho chuyến đi.
– Không liên lạc với bất kỳ ai (gia đình, người thân, học viên không đến “Pháp hội”) trong quá trình tham dự “Pháp hội”.
– Địa điểm tổ chức “Pháp hội” sẽ không cho người tham gia biết trước. Chỉ cần lên xe theo chỉ định và sẽ được đưa tới nơi.
Yêu cầu không cho gia đình biết và không dùng điện thoại như trên thực sự khiến Nam đau đầu. Trước ngày khởi hành, đầu óc Nam chỉ quanh quẩn nghĩ cách nói chuyện với gia đình, cố tìm ra 1 lý do hợp lý cho chuyến đi xa mà không phải nói dối, làm sao để mọi người không mảy may nghi ngờ, lo lắng mà làm ‘can nhiễu’ tới chuyến đi bí mật của anh, một chuyến đi kéo dài trong khoảng 3 ngày 2 đêm, hoàn toàn cắt đứt liên lạc với bên ngoài.
Hành trình tham dự “Pháp hội”:
Trước khi đi, Nam nói với vợ và bố mẹ là mình có công chuyện quan trọng, cần đi Hà Nội mấy hôm. Mọi người hỏi cụ thể nhưng anh chỉ nói chung chung. Thái độ ngập ngừng của anh cũng đã khiến gia đình đôi chút hoài nghi. Nam chưa dám nói là mình sẽ không dùng điện thoại trong thời gian ‘ở Hà Nội’.  Anh đều đặn Phát chính niệm bài trừ can nhiễu.
Chuyến đi bắt đầu vào 1 ngày tháng 8, từ địa phương của mình các học viên di chuyển tới Hà Nội. Mỗi địa phương có 1 liên lạc viên tại đó chịu trách nhiệm dẫn đi.
– Mỗi nhóm sẽ có 1 điểm đến riêng tại Hà Nội. Liên lạc viên chỉ thông báo địa điểm này khi nhóm của mình đã lên xe khởi hành tới Hà Nội. Các học viên sẽ ở lại Hà Nội 1 đêm trước khi lên đường tới “Pháp hội”.
– Sau khi đến Hà Nội, có 1 người của Ban tổ chức dẫn nhóm của Nam đi tới khách sạn gần đó nhận phòng. Địa chỉ, tên khách sạn không được báo trước cho người tham gia (bao gồm cả liên lạc viên và trưởng nhóm, mỗi trưởng nhóm phụ trách một hoặc một vài địa phương). Học viên chỉ cần đi theo thành viên Ban tổ chức.
– Buổi tối hôm đó tại khách sạn, mọi người cùng nhau học Pháp và chia sẻ thể ngộ trong tu luyện, chia sẻ công tác làm hạng mục…
Cũng tối đó, vì sợ gia đình lo lắng nếu không liên lạc được nên Nam tranh thủ gọi điện về cho gia đình. Anh dặn mọi người rằng mình đi công tác quan trọng ở Hà Nội mấy hôm, sẽ tắt máy nên mọi người đừng gọi điện, anh rất bận nên sẽ không nghe điện thoại. Làm vậy chủ yếu là để gia đình không lo lắng nếu không liên lạc được với anh. Nhưng trái lại, vợ anh và bố mẹ nghe đến việc ‘tắt điện thoại, không cho liên lạc’ đã thấy ngay sự kỳ lạ vì chưa bao giờ anh có cách hành động như vậy, và dù bận cỡ nào ít nhất có thể nhắn tin hoặc gọi điện lại sau. Tại sao anh lại sợ mọi người liên lạc và bận chuyện gì mà phải tắt máy liên tục trong 2, 3 ngày liền? Trước đây, dù đi đâu Nam cũng không có kiểu ‘dặn trước’ như vậy. Họ bắt đầu lo lắng, thắc mắc, rồi gặng hỏi nhưng anh nhất quyết không nói cụ thể mình họp gì, đi đâu, gặp ai. Anh ậm ừ, lảng tránh cho xong. Gia đình anh lại càng lo. Biết gia đình đã nghi ngờ và lo lắng, nhưng anh cũng đành chịu vì phải tu khẩu, bảo mật, anh sợ đắc tội nếu lộ ra bất cứ điều gì (!). Nam đặt việc bảo mật cho “Pháp hội” lên hàng đầu. Tối hôm đó, vợ anh gọi điện nhiều lần, nhưng anh chỉ nhắn tin trả lời chung chung rồi tắt máy: “Không có chuyện gì đâu, yên tâm đi, 2 ngày nữa là về”. Tất nhiên, lòng anh cũng bắt đầu không yên.
Nghe đến đây, chính tôi đồng cảm với cảm giác lo lắng của gia đình Nam, vì anh sẽ đi đến 1 nơi bí ẩn, chưa biết chuyện gì sẽ xảy ra. Nếu gia đình nào mà có người thân thích tự nhiên biến mất như vậy thì không lo sốt vó mới là lạ. Thật sự nếu không nói rõ ràng thì không thể lý giải hành vi này.
 Tôi tập trung trở lại nghe Nam tường thuật.
– Khoảng 4, 5 giờ sáng hôm sau, nhóm của Nam được người của Ban tổ chức hôm trước dẫn ra nơi đón xe. Mỗi người lúc này được phát 1 thẻ tham dự “Pháp hội”, mà gọi là thẻ tham dự tour du lịch XYZ gì đó. Nếu mất thẻ này sẽ không được vào “Pháp hội”.
– Sau đó, xe đưa đón đoàn đến, trên xe lúc này đã có khá nhiều học viên khác. Họ đã được đón ở các điểm tập kết khác. Nhóm của Nam là nhóm cuối cùng lên xe. Còn có nhiều xe khác đi rước người ở khắp các nơi tập kết khác. Xe của Nam có 54 chỗ. Trong khi tham dự “Pháp hội”có khoảng 500 người. Anh ước tính có khoảng 10 xe đi đón các đoàn.
– Trên mỗi chuyến xe, có 1 người phụ trách riêng, tạm gọi là trưởng đoàn. Ngay khi mọi người ổn định chỗ ngồi. Trưởng đoàn phát biểu qua micro rằng: “Chào mừng mọi người tham gia tour du lịch XYZ lần này, bây giờ mọi người hãy giao điện thoại cho chúng tôi, chúng tôi sẽ đi tới thu (?)”.
Nghe đến đoạn này, tôi vội cắt ngang: “người lái xe có phải học viên không”. Nam nói: “không phải học viên”. Tôi nói tiếp: “Vậy chắc tài xế thấy kỳ lắm khi người trưởng đoàn nói vậy ,vì du lịch thì ai lại thu giữ điện thoại làm gì ?”. Nam đáp: “Ờ thì…”. Nghe kể rằng, khi theo dõi toàn bộ chuyến đi và quá trình ‘du lịch hoàn toàn trong khách sạn tổ chức “Pháp hội”’ các bác tài xế cũng cảm thấy đây là 1 chuyến đi du lịch và 1 đoàn người không bình thường.
– Xe bắt đầu di chuyển tới địa điểm tổ chức “Pháp hội”. Ai cũng thấy phấn chấn với chuyến đi, đặc biệt là người tham gia lần đầu như Nam. Các học viên đi cùng Nam cũng vậy, đa phần là tham dự lần đầu, đây là lần tổ chức đông đảo nhất. Khi xe chuyển bánh, mọi người được phát đồ ăn sáng và nước uống. Sau đó Nam tựa lưng vào ghế và ngủ. Anh ngủ suốt hành trình chuyến đi vì hôm trước thức khuya, sáng lại dậy sớm. Ai cũng ngủ.
Nghe đến đây, bỗng có một cảm giác ớn lạnh chạy dọc xương sống tôi. Trời ơi! Nếu bạn Nam này cùng những người kia bị đưa sang Trung Quốc để mổ cướp nội tạng thì sao? Ai bảo đảm an toàn chuyến đi này cho họ?…
Tôi nhăn mặt hỏi: Anh liều thật đấy, không nghi ngờ chút nào sao,có gì đảm bảo đâu?
Nam: Có liên lạc viên lo rồi, ban tổ chức toàn là học viên thôi, lo gì?
Tôi: Nhưng anh có biết ban tổ chức, trưởng đoàn là ai không?
Nam: Không, nhưng … là học viên cả thôi.
Tôi cũng không hỏi sâu thêm nữa, dù sao Nam cũng đang an toàn. Chà, gay go thật! Không biết người tổ chức chuyến đi là ai, và được đưa đi tới đâu. Thật giả lẫn lộn, đặc vụ 610 trà trộn vào học viên là điều bình thường, hoặc giả đặc vụ 610 lúc đó đang không chế được Ban tổ chức và …
Thôi, trở lại câu chuyện:
– Nam tỉnh dậy khi xe đến tỉnh Ninh Bình. Xe lúc này không còn ở trên đường quốc lộ, nó đã di chuyển vào bên trong thành phố Binh Bình. Mọi người suy đoán Ninh Bình chính là địa điểm tổ chức. Và giờ thì xem xe dừng chân ở điểm nào thôi. Đó là khách sạn The Vissai Hotel, Tp. Ninh Bình, một khách sạn 4 sao. Lúc đó là khoảng 8h sáng.
– Hơn 500 học viên Pháp Luân Công di chuyển vào sảnh khách sạn. Nam nhìn các bạn học viên mà trong lòng thấy rất vui. Pháp Luân Công ở Việt Nam ngày càng nhiều người học, thật là điều đáng mừng.
Tôi thì chưa thể mừng lúc này.
3/ “Pháp hội”
– Ngay khi đến khách sạn, mọi người được hướng dẫn lên ngay phòng hội nghị để tham gia “Pháp hội”. Sau khi kết thúc chương trình buổi sáng, mới đến bước làm thủ tục nhận phòng.
– Chương trình “Pháp hội” lần này gần như được sắp xếp kín lịch, chỉ còn thừa thời gian ăn uống, vệ sinh cá nhân và nghỉ ngơi.
Ngày 1, ngày đến khách sạn:
+ Sáng: khai mạc , dẫn chương trình nói rằng: “được sự đồng ý của Phật học hội” nên VN đã tổ chức “Pháp hội” này……???????

Học viên đọc chia sẻ – nhận phòng khách sạn – ăn trưa.
Trước khi vào bữa ăn trưa, Ban Tổ chức yêu cầu mọi người chú ý tu khẩu, không nói chuyện liên quan tới Pháp Luân Công trong bữa ăn. Bởi vì ở sảnh ăn có rất nhiều nhân viên phục vụ, họ có thể sẽ biết ở đây đang tổ chức “Pháp hội”.
Nhưng một điều khôi hài là gần như không có ai tu khẩu ‘tốt’ trong tất cả các bữa ăn. Một bàn ăn khoảng 10 người, thường là đến từ những địa phương khác nhau. Chả mấy khi gặp nhau và cũng chưa bao giờ gặp nhau nên các học viên không kiềm được cái mong muốn chia sẻ. Thế là toàn nói chuyện học Pháp, luyện công, giảng chân tướng, tâm đắc thể ngộ… Hàng chục bàn ăn vang vang như vậy. Có lẽ nhân viên khách sạn phải bít tai thật kỹ mới không nghe thấy. Nam chia sẻ lại như vậy.
+ Chiều: sau khi ăn trưa – tiếp tục phần chia sẻ của các học viên, xen kẽ là phát chính niệm – bữa ăn chiều – nghỉ ngơi, vệ sinh cá nhân.
Các bài chia sẻ gần như có cấu trúc tương tự nhau: 1. Cơ duyên đắc Pháp, 2. Tinh tấn đề cao, 3. Tham gia hạng mục giảng chân tướng, 4. Giảng chân tướng cho người Trung Quốc…
+ Tối
Chia sẻ theo nhóm các chủ đề: 1/ Hạng mục In ấn và phân phối Sách, 2/ Báo chí truyền thông , 3/ Phát triển môi trường địa phương, 4/ Giảng chân tướng cho người Trung Quốc, 5/ Giảng chân tướng….
Ngày 2:
+ Sáng: tiếp tục chia sẻ theo nhóm về vấn đề phản bức hại trước các tình huống như bị tịch thu sách in, tình huống can nhiễu tại điểm luyện công, tại nơi học Pháp…
+ Trưa: tổng kết “Pháp hội” – ăn trưa – kết thúc.
Trong bữa ăn sau cùng này, một số học viên tỏ rõ sự sốt ruột vì vẫn chưa được phép liên lạc với gia đình, mọi người ở nhà đang bất an vì lo lắng. Nam cũng vậy, đang ăn cơm mà ngay ngáy lo. Anh tưởng tượng ra cảnh mọi người đang liên lạc khắp nơi để tìm anh. Và thực tế, sự việc còn tệ hơn như vậy.
+ Chiều: Ra về
4/ Hậu “Pháp hội”
– Trên xe về, Nam thấy lòng như lửa đốt. Khi được trả lại điện thoại, anh gọi ngay về cho vợ. Vợ anh nói với giọng lạnh lùng, vô cảm: “Ok, về đi rồi nói chuyện”. Trên suốt chuyến đi, đầu anh không ngớt nghĩ cách để đối phó với gia đình đang rất giận dữ với phong cách Cắt đứt liên lạc và từ dưới đất chui lên của anh.
– Nam về nhà trong khi cả gia đình đang ngồi chờ ở phòng khách. Một không khí căng thẳng bao trùm toàn bộ căn phòng. Khuôn mặt người nhà anh hiện lên 2 chữ thất vọng và mệt mỏi. Họ đã gần như mất ngủ trong 2 ngày anh đi “Pháp hội”.
Ngay lập tức, mọi người yêu cầu anh đưa ra lời giải thích – lời giải thích cho hành vi bất bình thường chưa từng có. Nam lúng túng, giải thích vòng vo thiếu thuyết phục, cuối cùng khiến họ càng thêm bực bội. Nam càng nói càng cuống, đầu óc rối như tơ vò nhưng cũng không biết trả lời ra sao vì phải tu khẩu. Mọi người dồn dập hỏi thì anh chuyển sang im lặng. Tưởng rằng im lặng trước sóng gió rồi sẽ xong chuyện. Kết quả còn tệ hơn, gia đình anh tỏ rõ sự chán nản, thất vọng, kèm theo những tiếng thở dài, than thở không ngớt. Giông tố như ập lên đầu anh. Anh hoàn toàn không biết nên làm gì lúc đó.
Mới mấy hôm trước mọi người còn khen ngợi sự thay đổi tích cực của anh sau khi tập Pháp Luân Công. Nếu giờ vì việc bảo mật này mà khiến gia đình anh lại nghĩ tiêu cực về Pháp thì sao, anh suy nghĩ trong lo lắng. Vừa nghĩ đến đó, vợ anh liền nói: “Hay là có liên quan tới Pháp Luân Công?”. Nam giật mình, trả lời không dám nhìn thẳng vào vợ: “Nói chung là bây giờ chưa nói được”.  Ba Mẹ anh thất vọng tột độ: “Thôi đúng là liên quan tới Pháp Luân Công rồi, nhưng tại sao phải lén lút, thậm thụt, giấu giếm toàn bộ gia đình, cắt đứt liên lạc, gọi điện khắp nơi cũng không ai biết”. “Tạo sao học Pháp Luân Công mà lại quanh co, nói dối như vậy. Hay là làm gì liên quan tới chính trị? ”… (Thôi xong)
Một buổi tối dài hơn một thập kỷ.
Nghe mọi người than vãn, quở trách, mồ hôi Nam vã ra.Bị hiểu nhầm sang làm chính trị là gay rồi, nhưng làm sao đây?  Yêu cầu tu khẩu thì biết làm sao đây? Nói ra thì hại mình hại người (!?) thì cũng không được. Anh tự nhắc mình: “Thôi cố gắng bảo mật. Nhất định không nói”.
Nghe đến đây tôi thấy ông này vừa mắc cười lại vừa tội nghiệp. Thầm nghĩ, tu khẩu đâu có phải là người ta nói mình im mồm thì mình răm rắp nghe theo đâu, đúng là không thanh tỉnh chút nào.Những yêu cầu bảo mật đó cũng phải lấy Pháp để đo lường.Tu luyện là việc cá nhân đề cao tâm tính, đâu phải làm theo lựa chọn số đông.
Nhiều tuần trôi qua, tình trạng gia đình anh cũng dần dần sóng yên biển lặng. Vợ anh nguôi giận, ba mẹ cũng bỏ qua phần nào. Nhưng đến giờ mọi người trong gia đình thỉnh thoảng vẫn nhắc lại chuyện cũ với cái lắc đầu dành cho anh. Mọi người có cảm giác từ ngày học Pháp Luân Công anh không tôn trọng đúng mức với người trong gia đình, làm gì cũng mờ ám. Đặc biệt là họ không cách nào lý giải được. Cái gì cũng bảo mật, từ gọi điện GP2, trao đổi sách…Còn Nam thì không biết làm sao để mọi người hiểu.
Thời gian đã lâu nhưng anh chưa vượt qua được tình trạng trên, nên anh quyết định chia sẻ câu truyện “Pháp hội” như vậy tôi và một số người khác. Anh nghĩ chia sẻ với đồng tu thì không sao, và cũng mong tôi chia sẻ thể ngộ về vấn đề này. (Có lẽ những người đi cùng đoàn với anh đã không thể giúp anh chuyện này)
Tôi hỏi: Tại sao phải bảo mật cho “Pháp hội” 2015?
Nam: Vì không muốn chính quyền can nhiễu như năm 2010
Tôi: Can nhiễu ra sao?
Nam: Một số bị công an kiểm tra giấy tờ,… có mấy xe bị tịch thu sách.Ô tô sau khi ra khỏi nơi tổ chức mới bị đi theo và phát hiện có 100 quyển sách (ở trên 2 ô tô) không phải bị thu tại “Pháp hội” .
 Tôi: Nhưng sau đó công an cũng có nói: “Chúng tôi chỉ kiếm tra giấy tờ… mọi người tiếp tục “Pháp hội””. Anh thử đặt mình vào vị trí công an, anh thấy một nhóm đông người tổ chức một sự kiện lớn, và không muốn cho ai biết, lén lút thậm thụt như làm cách mạng, anh có e ngại không? Nhỡ ở đó bàn nhau nổi loạn mà công an không ngăn chặn được thì họ coi như không làm tròn chức trách. Trong khi ít nhiều họ vẫn bị Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đầu độc rằng Pháp Luân Công làm chính trị… Riêng sách thì vẫn còn vấn đề in ấn, bản quyền nên mới bị chọc. Nếu là cá nhân không tu luyện vi phạm tác quyền có lẽ không sao. Nhưng mang danh học viên và cùng nhau hình thành 1 hệ thống in ấn, phân phối, bán sách là sai rồi… Xung quanh đó cũng không ít vấn đề. Đâu có dễ mà lúc nào họ cũng thu sách.
Nam: Ờ thì, thôi không nói chuyện sách ở đây. Nhưng mà Việt Nam nghe theo Trung Cộng, bảo mật là vì lẽ đó.
Tôi: Chính là vậy, nhiều người nghe theo tuyên truyền dối trá của ĐCSTQ, cộng thêm bị đặc vụ châm chọc, chưa kể ngày xưa rất đông người theo nhóm giả mạo Phạm Xuân Giao – Nguyễn Doãn Kiên đi làm chuyện nhảm nhí, phá hoại.
Vì sao họ nghe theo Trung Cộng đặt điều về Pháp Luân Công mà chưa nghe học viên Pháp Luân Công nói sự thật? Là họ sai hay chúng ta giảng chân tướng chưa tốt, tu luyện chưa tốt. Nên chăng tự trách mình sao vẫn để chính quyền nước nhà bị Trung Cộng lừa dối lâu đến vậy. Tôi nghĩ rằng đặc vụ 610 đã lợi dụng chữ “cộng sản” và tâm lý ghét cộng sản của rất nhiều người Việt Nam, để tạo ra tình thế như hiện nay.
Nam: Thì họ đều là cộng sản như nhau, họ giống nhau là bình thường thôi.
Tôi:
Nhưng mối liên hệ với cuộc bức hại là hoàn toàn khác nhau. ĐCSTQ là thủ phạm, phát động bức hại, tung tin bịa đặt khắp nơi, cho đặc vụ vào phá hoại môi trường học Pháp tại tất cả các quốc gia có người học. Mấy ông nội Việt Nam cũng là do bị lừa, ở thế bị động.Nếu Trung Cộng không đầu độc họ thì họ lấy đâu ra mấy từ ‘tà đạo’, ‘chống chính quyền’… Nhất là, nhiều người chuyên đi làm mấy chuyện phá hoại, nào là đi theo mấy thằng trời đánh Xuân Giao – Doãn Kiên; phát tờ rơi một cách phản cảm, phát tờ rơi có yếu tố chống phá chính quyền; mặc áo vàng có in chữ Pháp Luân Công mà hành vi không chân chính; có mấy ông nội còn bỏ bê công việc, bỏ nhà đi bụi; chưa kể mấy vị cám hấp làm cái việc khuyên tam thoái cho người Việt Nam… Toàn những việc làm phá hoại hình ảnh Pháp Luân Công.
Bây giờ còn xuất hiện ở đâu ra 1 hệ thống liên lạc viên, đại diện miền, điều phối viên như một tổ chức vậy. Tôi hỏi mấy học viên tu luyện lâu năm, cả trên chục năm cũng có, mà không ai hiểu cái hệ thống điều phối viên là ở đâu ra. Vừa rồi, không hiểu Ban Điều Phối VNShow nào đó còn dựng đứng chuyện Shen Yun về Việt Nam năm 2016, làm loạn khắp phố phường… chắc chắn là không có học viên chân chính nào nghĩ ra được cái thông báo khảo sát dối trá phô thiên cái địa đó.
Rồi đâu phải cứ có can nhiễu thì nói họ bức hại. Hỏi có quốc gia nào không bị Trung Cộng phát tán dối trá? Chính quyền tại đó chủ động tìm ra sự thật hay các học viên sở tại phải cất công nói rõ sự thật? Nếu chính quyền tại Canada, Mỹ vẫn bị đầu độc rằng Pháp Luân Công là tà, là phá rối… thử hỏi họ có can nhiễu ít nhiều không? Rồi khi họ can nhiễu thì không lẽ cũng coi họ như những kẻ đàn áp. Biết bao quốc gia có những chính sách ‘cộng sản’, vậy cũng tính họ vào chung với thủ phạm ĐCSTQ được không?
Trong sách không hề có câu nào nói rằng Cộng sản Việt Nam đàn áp Pháp Luân Công. ĐCSTQ là tổ chức DUY NHẤT bức hại Pháp Luân Công. Theo tôi, đây là căn cứ quan trọng then chốt để phân biệt.
Đương nhiên, chính quyền Việt Nam có mối quan hệ chặt chẽ với ĐCSTQ, lại là hàng xóm, núi liền núi sông liền sông. Vậy nên không lạ nếu người Việt Nam và chính quyền nói chung sẽ dễ bị đầu độc và bị đầu độc nặng hơn so với các quốc gia khác. Vậy theo tôi, học viên Việt Nam càng cần nắm rõ tình huống sở tại để đối đãi cho đúng.
Nam: Thế còn đặc vụ Trung Cộng tại Việt Nam thì sao? Nó sẽ phá “Pháp hội” nếu nó biết thông tin
Tôi:
Ai đảm bảo là “Pháp hội” 2015 nằm ngoài tầm ngắm của đặc vụ 610. Ngay cả kín như bưng thì nó phá vẫn là phá. Thậm chí nó còn dễ phá hơn. Ví dụ, có thể chúng gây rối loạn ở “Pháp hội” rồi báo cho công an Việt Nam tới giải quyết thì hẳn sẽ to chuyện. Hoặc chúng ngầm thông báo cho công an, vu khống rằng có 1 đám đang bàn chuyện chính trị. Công an sẽ thắc mắc rằng Tại sao? 500 người này lại du lịch bí mật trong khách sạn? Giấu giếm gia đình, không cho ai biết, đang bàn chuyện gì ở đây?… Họ không biết đặc vụ 610 đã làm gì, là ai, nhưng những gì họ nhìn thấy là 500 người học Pháp Luân Công ở hiện trường, nói là đi du lịch nhưng lại ở tổ chức cái gọi là “Pháp hội”. Lúc đó quá mệt mỏi luôn.
Thế rồi vì nghi ngờ học viên, công an sẽ thực hiện mấy nghiệp vụ không dễ chịu cho lắm. Và học viên sẽ coi công an như cựu thế lực phá hoại. Và cứ thế ngọn lửa đối nghịch ngày càng lớn thêm.
Nếu công khai minh bạch cho thiên hạ thấy thì sự phá đám của đặc vụ chỉ giúp người ta biết thêm được sự thật. Các sự kiện như Shen Yun hay Pháp hội nơi khác cũng vẫn bị đặc vụ bày mưu tính kế để phá. Nhưng cuối cùng gậy ông lại đâp lưng ông, lại càng nhiều người biết được sự thật về ĐCSTQ, về đội ngũ đặc vụ 610 xấu xa, về thủ đoạn bôi nhọ, phá hoại Pháp Luân Công. Khi người dân và người trong chính quyền Việt Nam biết sự thật, chính là chúng ta đã giảng chân tướng tốt.
……
Chúng tôi trao đổi thêm chút nữa thì trời chuyển tối.
Tôi: Thôi muộn rồi, tôi về đây. “Pháp hội” cũng đã qua rồi, tôi nghĩ bạn nên về nói sự thật với gia đình. Tôi thấy họ thật tội nghiệp. Việc bạn làm đã ảnh hưởng khá lớn đến suy nghĩ của họ về Pháp, con đường họ đến với Pháp, tin vào Pháp, tôi nghĩ vậy.
Lời kết:
Cho đến nay, nhiều người Việt Nam vẫn bị đầu độc ít nhiều từ các tuyên truyền đổi trắng thay đen của ĐCSTQ. Cụ thể như vụ việc HTV7 đưa tin sai trái ở Quảng Bình vừa qua. Nhưng nếu chỉ vì những can nhiễu (mà nguyên do là họ bị đầu độc bởi ĐCSTQ, vì chiêu trò của nhân viên 610 và từ chính những việc làm phá hoại của những người mang danh học viên) mà chúng ta lại đánh đồng họ với thủ phạm thực sự – ĐCSTQ –  thì đã lệch lạc hoàn toàn. Chừng nào ở Việt Nam còn can nhiễu từ chính quyền tức là việc nói rõ sự thật với chính quyền của chúng ta chưa đạt. Đặc biệt, lòng căm ghét, những định kiến về cộng sản trước khi bước vào tu luyện nếu không hạ xuống, liệu chúng ta có thể tiếp tục tu luyện và chứng thực Pháp?
Chưa biết Nam suy nghĩ ra sao sau buổi nói chuyện này. Nhưng kỳ thực, tôi thấy Pháp hội tổ chức kín như vậy là “LỢI BẤT CẬP HẠI”… Vài dòng trên đây là mong muốn được cùng mọi người chia sẻ thể ngộ và đề cao trong tu luyện. Cùng nhau phối hợp tổ chức 1 Pháp hội đường đường chính chính tại Việt Nam, hạn chế tối đa tất cả những hiểu lầm của người ngoài dành cho Pháp Luân Công. Và làm sao giảng chân tướng tốt hơn nữa cho nhiều người trong chính quyền, những người vẫn chưa minh bạch các thủ đoạn của ĐCSTQ trong cuộc bức hại Pháp Luân Công tại Trung Quốc và khắp nơi trên thế giới, trong đó có Việt Nam.


Reblog:
tag: Pháp Luân Công, Pháp Luân Đại Pháp